Cảnh báo: “15 bệnh thường gặp ở trẻ em không nên chủ quan”

Nguyễn Ngọc Mai-10:45 15/07/2022

Cơ thể trẻ khi sinh ra chưa có được đủ kháng thể nên hệ miễn dịch của trẻ rất yếu, trẻ dễ nhiễm nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh hô hấp, tiêu hóa và nhiều bệnh lý khác. Bài viết sau đây Momi sẽ liệt kê các bệnh thường gặp ở trẻ em, ba mẹ hãy tham khảo để có biện pháp phòng tránh cũng như chăm sóc trẻ được tốt nhất.

Những bệnh thường gặp ở trẻ ba mẹ nên biết

1. Tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là bệnh thường gặp ở trẻ em gây ra bởi sự lây lan của một số chủng vi-rút, thường thấy nhất là coxsackie A16 hoặc Entero 71. Thời gian ủ bệnh của tay chân miệng từ 3 - 7 ngày, trẻ bắt đầu bị sốt nhẹ, mỏi mệt, kém ăn, đau họng… sau đó xuất hiện những nốt ban màu hồng có đường kính khoảng 2 - 3 mm ở trong miệng và trên da lòng bàn tay, gan bàn chân, đôi khi cũng thấy ở mông và cẳng chân. Nếu không được chăm sóc đúng cách và điều trị kịp thời những biến chứng của bệnh rất dễ dẫn đến tử vong ở trẻ. Hiện nay chưa có thuốc trị tay chân miệng, vì vậy khi thấy trẻ có những dấu hiệu trên cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị hợp lý.

Trẻ bị bệnh tay chân miệng

Trẻ bị bệnh tay chân miệng

2 . Viêm tai giữa

Đây là một bệnh thường gặp ở trẻ nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Nửa đầu năm 2022 rất nhiều trẻ ở Việt Nam mắc căn bệnh này do biến đổi thời tiết đột ngột. Trong khi đó, cấu trúc tai của trẻ chưa hoàn chỉnh, tai trong của trẻ sẽ được kết nối với mặt sau của cổ họng thông qua ống thính giác. Bình thường ống thính giác mở cho phép chất lỏng và tạp chất thoát ra ngoài. Khi ống thính giác bị đóng, các chất thải không thoát được và dẫn đến vi khuẩn sẽ kẹt lại bên trong tai, gây nhiễm trùng. Đây là kết quả của các bệnh rất phổ biến như cảm cúm, sổ mũi, nghẹt mũi, viêm họng, các chất xuất tiết ở mũi họng rất dễ chảy vào hòm tai, ứ lại và gây viêm.

Triệu chứng nhiễm trùng tai giữa ở trẻ em thường được biểu hiện dưới dạng như: sốt trên 38 độ, kém ăn, thính giác kém, đau tai, nôn mửa, khó ngủ, hay quấy khóc. Khi xuất hiện 1 trong số những biểu hiện như vậy ba mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để có phác đồ điều trị cho trẻ.

Trẻ bị bệnh viêm tai giữa

Trẻ bị bệnh viêm tai giữa

3. Viêm thanh khí phế quản

Bệnh xuất hiện phổ biến vào thời gian chuyển giao mùa thu đến mùa đông. Trẻ rất dễ bị cảm lạnh, nhiễm lạnh dây thanh quản gây phù nề các thanh, khí quản nên vi khuẩn và virus cũng dễ dàng xâm nhập hơn. Tình trạng này xuất hiện nhiều ở trẻ từ 2 tháng đến 3 tuổi. Viêm thanh khí phế quản có thể coi là 1 bệnh khá phổ biến và cũng là một bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ do trẻ nhỏ thường rất hiếu động, hay la hét khiến hộp thoại, dây thanh hoạt động quá mức, dễ bị kích ứng viêm và nhiễm trùng.

Những triệu chứng của bệnh thường là sốt nhẹ, sổ mũi, ho nhiều, khàn giọng, nuốt khó, khóc không ra tiếng. Bệnh thường diễn biến trong khoảng 3 - 5 ngày, nếu triệu chứng kéo dài, ba mẹ có thể đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Trẻ bị viêm thanh khí phế quản

Trẻ bị viêm thanh khí phế quản

4. Bệnh do virus hợp bào hô hấp (RSV)

Virus hợp bào hô hấp RSV (respiratory syncytial virus) là một loại virus gây nhiễm trùng phổi và đường hô hấp, gây viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Virus RSV đi vào cơ thể qua mắt, mũi hoặc miệng. Hầu hết các trẻ nhỏ thường nhiễm virus hợp bào hô hấp trước 2 tuổi. Triệu chứng của căn bệnh này thường giống với cảm cúm gồm sốt, chảy nước mũi, ho nhiều và một vài triệu chứng như khó thở, thở khò khè, quấy khóc, kém ăn, khóc không có nước mắt, không đi tiểu suốt 6 giờ, mắt trũng, da nhăn. RSV thường không gây bệnh trọng ở trẻ lớn hoặc người lớn, tuy nhiên ba mẹ rất nên cảnh giác để tránh biến chứng tới viêm tiểu phế quản hay viêm phổi rất nguy hiểm.

Trẻ bị viêm phổi do nhiễm virus RSV

Trẻ bị viêm phổi do nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV)

5. Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ là bệnh do virus Adenovirus hoặc khi khuẩn liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây nhiễm trùng ở mắt. Virus, vi khuẩn đau mắt đỏ sinh sôi trong môi trường có độ ẩm không khí cao, khi thời tiết chuyển từ nắng sang mưa, khi giao mùa, thời tiết ẩm thấp. Vào thời điểm này, cơ thể trẻ mệt mỏi, sức đề kháng yếu, bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi, vệ sinh kém, rất dễ khiến bệnh bùng phát. Ngoài ra, trẻ hay có thói quen dụi mắt. Khi tiếp xúc với đồ vật không đảm bảo vệ sinh, sau đó trẻ đưa tay dụi mắt cũng rất dễ khiến bé bị đau mắt đỏ. Biểu hiện rõ ràng và đặc trưng nhất là hiện tượng đỏ mắt, mí mắt sưng nề, mọng, mắt nhiều dử. Bệnh tuy không gây nguy hiểm nhưng sẽ gây khó chịu trong sinh hoạt của trẻ.

Trẻ bị bệnh đau mắt đỏ

Trẻ bị bệnh đau mắt đỏ

6. Sởi

Bệnh sởi gây ra bởi virus Morbillivirus của họ Paramyxoviridae. Bệnh sởi là tình trạng nhiễm virus cấp tính. Chủng vi sinh vật này thường “cư ngụ” ở chất nhầy trong mũi và cổ họng, đồng thời có khả năng sinh sôi nhanh chóng tại các bộ phận này. Virus sởi chỉ gây bệnh trên người và không lây lan đến bất kỳ loài động vật nào khác. Dịch sởi dễ bùng phát vào mùa đông xuân. Triệu chứng ban đầu là sốt, chảy nước mắt nước mũi, gỉ mắt lèm nhèm,sưng nề mí mắt, xuất hiện các nốt nhỏ như đầu đinh ghim (hạt Koplik) .Bệnh vẫn được xem là bệnh nguy hiểm và có thể gây tử vong cho trẻ nhỏ nếu không được phát hiện sớm và điều trị phù hợp.

Trẻ bị bệnh sởi

Trẻ bị bệnh sởi

7. Thủy đậu

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm gây phát ban trên da, do virus Varicella Zoster gây ra. Bệnh thủy đậu hay còn được gọi là bệnh trái rạ. Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Bệnh lây nhanh qua đường hô hấp khi tiếp xúc với virus qua nước bọt, dịch tiết mũi hoặc từ các nốt phỏng vỡ ra từ người bệnh Bệnh thủy đậu giống như các trường hợp nhiễm virus khác, thường có biểu hiện sốt nhẹ, sổ mũi, ho, mệt mỏi, chán ăn, xuất hiện các nốt rạ - nốt ban phỏng nước. Đối tượng chưa tiêm phòng vắc xin thì trên 90% có khả năng mắc bệnh. Ba mẹ không nên chủ quan, dù đây là bệnh thường gặp ở trẻ tuy nhiên nếu không phát hiện và điều trị kịp thời rất dễ gây ra các biến chứng về thần kinh.

Trẻ bị bệnh thủy đậu

Trẻ bị bệnh thủy đậu

8. Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra là một dạng bệnh truyền nhiễm cấp tính. Virus này thường lây truyền qua vật chủ trung gian là muỗi vằn. Trẻ sốt cao đột ngột và liên tục (39-40 độ C) trong vòng 2-4 ngày, có thể xuất hiện dấu xuất huyết dưới da, ở niêm mạc miệng, đi tiểu ra máu... Khi người lớn mắc bệnh sốt xuất huyết, biến chứng thường gặp là giảm tiểu cầu (chảy máu) còn với trẻ nhỏ biến chứng thường gặp là tình trạng bị sốc. Vì bị sốc nên trẻ có nguy cơ bị suy nội tạng dẫn tới tử vong. Nếu nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.

Trẻ bị sốt xuất huyết

Trẻ bị sốt xuất huyết

9. Rotavirus

Rotavirus là một loại virus dễ lây nhiễm, gây ra bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ, còn được gọi là bệnh viêm dạ dày ruột. Loại virus này lây lan mạnh gây viêm dạ dày và ruột, trong khoảng từ cuối đông đến đầu xuân, người bệnh có những triệu chứng như tiêu chảy nặng, nôn ói, sốt, đau bụng và mất nước ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và một số người trưởng thành. Hầu hết các trường hợp nhiễm rotavirus tử vong là do em bé bị mất nước. Khi nghi ngờ nhiễm rotavirus cần đưa trẻ cấp cứu tại viện.

Trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus

Trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus

10. Cúm

Bệnh cúm do các virus gây ra, thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1, A/H5N1 (rất nguy hiểm) và cúm B. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Bệnh cúm tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở trẻ em nhất là trẻ dưới 5 tuổi và những trường hợp khác như: người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai. Bệnh cúm thường bị nhầm với cảm lạnh thông thường nhưng các triệu chứng của bệnh này thường nghiêm trọng hơn những dấu hiệu điển hình của cảm lạnh như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi.

Trẻ bị cúm

Trẻ bị cúm

11. Ho gà

Bệnh ho gà có tên khoa học là Pertussis. Đây là căn bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Bordetella pertussis (vi khuẩn ho gà) gây ra ở đường hô hấp. Diễn biến của ho gà là từ một tuần đến hàng tháng, và bắt đầu bằng những dấu hiệu cảm lạnh thông thường như sổ mũi, hắt hơi. Ho gà được biết đến với những cơn ho dữ dội, không kiểm soát được, thường khiến người bệnh khó thở. Sau khi ho, bệnh nhân thường cần hít thở sâu, điều này dẫn đến âm thanh phát ra như tiếng rít dài. Ho gà có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng đặc biệt nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.

Trẻ bị ho gà

Trẻ bị ho gà

12. Ban đỏ nhiễm khuẩn cấp

Ban đỏ nhiễm khuẩn cấp (Erythema infectiosum), thường được gọi là bệnh thứ năm, là do vi khuẩn human parvovirus B19. Nó xuất hiện chủ yếu vào mùa xuân, đặc biệt là trẻ em từ 5 đến 7 tuổi. Sự lây truyền dường như là qua các giọt hô hấp và bằng tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các sản phẩm máu, với tỷ lệ cao nhiễm trùng thứ phát trong sự tiếp xúc của các hộ gia đình; nhiễm trùng có thể xảy ra mà không có triệu chứng hoặc dấu hiệu.

Các biểu hiện ban đầu điển hình là các triệu chứng giống như cúm không đặc hiệu (ví dụ, sốt nhẹ, chứng khó chịu nhẹ). Vài ngày sau đó, xuất hiện hồng ban sẩn cứng thành đám trên má ("vết tát má") và xuất hiện đối xứng hai bên thường ưu thế ở vùng cánh tay, chân. Hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh thứ năm, phương pháp điều trị chủ yếu là để làm giảm triệu chứng.

Trẻ bị ban đỏ nhiễm khuẩn cấp ở hai bên má

Trẻ bị ban đỏ nhiễm khuẩn cấp ở hai bên má

13. Quai bị

Quai bị là bệnh do virus Paramyxovirus gây nên. Bệnh chỉ xuất hiện ở người, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, nhất là trẻ từ 6 – 10 tuổi. Bệnh thường phát vào mùa đông xuân, khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, xuất hiện ở những nơi đông người như: nhà trẻ, trường học, ký túc xá, khu tập thể… Khi mắc bệnh quai bị, tuyến nước bọt sẽ sưng và rất đau. Bệnh quai bị thường nhẹ ở trẻ em, nhưng đôi khi các biến chứng có thể xảy ra. Tuy các biến chứng nghiêm trọng thường hiếm gặp song có thể ảnh hưởng lâu dài đến tuổi trưởng thành vì không chỉ ảnh hưởng đến tuyến nước bọt ở mang tai mà còn có thể gây viêm nhiễm những bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả não và hệ sinh sản.

Trẻ bị bệnh quai bị

Trẻ bị bệnh quai bị

14. Viêm màng não

Viêm màng não mủ là căn bệnh liên quan đến nhiễm trùng của màng bảo vệ bao gồm não và tủy sống, do sự xâm lấn của vi trùng vào máu, sau đó xâm nhập và tăng sinh trong màng não và gây bệnh. Vi khuẩn gây viêm màng não có nhiều loại như: Haemophilus influenzae type b (Hib), phế cầu khuẩn, não mô cầu, tụ cầu khuẩn và các loại vi khuẩn gram âm. Trong đó, Hib là loại vi khuẩn gây bệnh viêm màng não mủ, thường gặp nhất ở các trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi.

Triệu chứng viêm màng não do Hib thường không điển hình. Dưới đây là các dấu hiệu cảnh báo viêm màng não ở trẻ em mà cha mẹ cần theo dõi sát tình trạng của trẻ như: sốt cao đột ngột, buồn nôn, nôn vọt, tăng kích thích, cứng cổ, co giật, thóp phồng, hôn mê, li bì, lơ mơ, liệt thần kinh khu trú, giảm trương cơ lực, hạ đường huyết. Viêm màng não trẻ em là căn bệnh nguy hiểm. Nếu không kịp thời phát hiện có thể để để lại nhiều di chứng, nặng có thể gây ra tử vong.

Trẻ bị viêm màng não

Trẻ bị viêm màng não

15. Viêm da dị ứng

Viêm da dị ứng do thay đổi thời tiết có thể xuất hiện ở bất cứ ai kể cả người lớn. Tuy nhiên trẻ em là đối tượng dễ mắc viêm da dị ứng nhất vì da trẻ em mỏng, nhạy cảm, dễ bị tác động. Bệnh viêm da, dị ứng thời tiết có thể chấm dứt đến khi trẻ được 5 tuổi tuy nhiên một số ít trường hợp vẫn kéo dài đến khi trưởng thành. Dấu hiệu nhận biết khi bé bị viêm da do thời tiết đó là xuất hiện các nốt đỏ trên da, ngứa ngáy, ho sốt và chán ăn.

Trẻ bị viêm da dị ứng do thời tiết

Trẻ bị viêm da dị ứng do thời tiết

Phòng bệnh hơn chữa bệnh các bệnh thường gặp ở trẻ

Những tác nhân về môi trường rất khó để tránh khỏi, tuy nhiên hiện nay khi công nghệ phát triển việc bảo vệ phòng ngừa cho trẻ đã dễ dàng hơn rất nhiều để hạn chế tối đa nhất có thể sự xâm nhập của vi khuẩn, virus như:

  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân và đồ vật xung quanh: Thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, khử khuẩn các khu vực dễ chứa mầm bệnh. Đặc biệt là các khu vực ẩm thấp, ao tù, nước đọng,...

  • Sử dụng máy tiệt trùng: Hầu hết các máy tiệt trùng đều sử dụng tia UV để khử trùng và khử mùi đồ vật, đồ chơi cho bé, ngoài ra có thể tiệt trùng các đồ bỉm sữa, điện thoại, trang sức để hạn chế tối đa nhiễm khuẩn khi các bé cầm gặm

  • Sử dụng máy lọc không khí hay điều hòa có tính năng lọc không khí: Chất lượng không khí ở Việt Nam đang ở mức báo động, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 rất dễ xâm nhập vào đường hô hấp đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ nên việc sử dụng máy lọc không khí rất cần thiết.

  • Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ: Tiêm phòng đầy đủ theo quy định của Bộ Y Tế, đây là điều quan trọng nhất trong việc phòng ngừa các bệnh thường gặp ở trẻ.

  • Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin C và kẽm: Ba mẹ chú ý chế độ ăn uống đủ chất, bổ sung thêm Vitamin và Kẽm giúp cơ thể trẻ tự xây dựng hàng rào bảo vệ tránh các bệnh thường gặp ở trẻ.

Xem thêm: Top 9 thuốc thoa tay chân miệng hiệu quả nhất

Qua bài viết này, Momi rất mong có thể trở thành một người bạn đồng hành cùng ba mẹ, giúp ba mẹ nhận biết rõ ràng hơn để có các biện pháp ngăn ngừa các bệnh thường gặp ở trẻ, từ đó xây dựng một cuộc sống khỏe mạnh hơn.

Xem thêm: Trẻ bị chân tay miệng uống thuốc gì? Cẩm nang điều trị tại nhà cho trẻ

Hashtag:

#sức_khỏe
#tay_chân_miệng

Bài viết liên quan

Công ty cổ phần Công Nghệ và Truyền Thông SAMO

VP đại diện: Tầng 9, Tòa Licogi13 - 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Thành Đạt

Email: [email protected]

Liên hệ: 1900 636 232

Sở Kế Hoạch & Ðầu Tư TP Hà Nội Cấp giấy phép số 0106138449

Giấy phép hoạt động: Số 259/ GP - BTTTT do bộ thông tin và truyền thông cấp ngày 20/05/2016

Ðăng kí kinh doanh tại: Số 3, ngõ 361, phố Vũ Tông Phan, Phường Khương Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội

Quét QR code - Tải ứng dụng MOMI ngay