Tổng hợp các thuật ngữ ngành bảo hiểm bạn nên biết

Quyên Ngô-07:19 06/04/2022

Nắm vững thuật ngữ và các thành tố quan trọng trong bảo hiểm và kinh doanh bảo hiểm sẽ giúp người tham gia dễ dàng hơn trong việc lựa chọn, cân nhắc các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với bản thân và gia đình

Bảo hiểm giờ đây đã trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống hiện đại, là trụ cột chính nhằm duy trì và đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội. Tuy vậy khái niệm về bảo hiểm dường như vẫn còn là thứ gì đó khá mơ hồ đối với nhiều người. Cụ thể bảo hiểm là gì, bảo hiểm bao gồm những loại nào, các thành tố quan trọng trong bảo hiểm là gì? Tất cả sẽ được Momi giải đáp chi tiết ngay dưới đây.

Khái niệm bảo hiểm

Bảo hiểm thực chất là việc con người phải dành ra một phần sản phẩm trong kết quả lao động hàng năm của mình để lập ra quỹ dự trữ đủ lớn về vật tư hoặc bằng tiền nhằm:

  • Hỗ trợ tài chính cho cho việc đề phòng và hạn chế các tổn thất khi hiểm họa chưa và đang xảy ra.
  • Bù đắp và bồi thường kịp thời những thiệt hại và tổn thất về người và tài sản sau khi xảy ra hiểm hoạ.

Khái niệm kinh doanh bảo hiểm

Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 định nghĩa:

Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Bảo hiểm bao gồm những loại nào?

Các loại bảo hiểm

Có thể phân bảo hiểm thành ba loại chính:

Bảo hiểm thương mại

Bảo hiểm thương mại (Bảo hiểm mang tính kinh doanh): Là loại hình bảo hiểm do doanh nghiệp thực hiện nhằm mục đích sinh lợi thông qua việc lập quỹ bảo hiểm từ nguồn thu phí bảo hiểm của người tham gia. Quỹ này sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm quản lý và được dùng để chi trả cho đối tượng được bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm. Các sản phẩm bảo hiểm thương mại bao gồm:

  • Bảo hiểm nhân thọ: là loại nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết (Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10).
  • Bảo hiểm phi nhân thọ: là loại nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, trách nhiệm dân sự và các nghiệp vụ bảo hiểm khác không thuộc bảo hiểm nhân thọ (Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10).
  • Bảo hiểm sức khỏe: là loại hình bảo hiểm tự nguyện giúp chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí điều trị tại các cơ sở y tế nằm dong danh mục phòng khám, bệnh viện của hợp đồng khi người được bảo hiểm gặp phải các vấn đề về ốm đau, thương tật, tai nạn,...

Bảo hiểm Nhà nước

Bảo hiểm Nhà nước là hoạt động kinh doanh bảo hiểm do Nhà nước xã hội chủ nghĩa độc quyền tiến hành. Một số các sản phẩm bảo hiểm do Nhà nước thực hiện bao gồm

  • Bảo hiểm tiền gửi: là sự đảm bảo hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản (Theo luật Bảo hiểm tiền gửi số 06/2012/QH13).
  • Bảo hiểm y tế: là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm tham gia theo quy định của Luật này (Theo luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12).
  • Bảo hiểm xã hội: là là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội (Theo luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13)

    Các thuật ngữ cơ bản trong kinh doanh bảo hiểm

Các thuật ngữ cơ bản trong kinh doanh bảo hiểm nên nắm rõ

Luật Bảo hiểm số 24/2000/QH10 giải thích một số thuật ngữ trong kinh doanh bảo hiểm như sau:

  • Doanh nghiệp bảo hiểm: là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan để kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm.
  • Hoạt động đại lý bảo hiểm bao gồm các hoạt động: giới thiệu, chào bán bảo hiểm, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm và các công việc khác nhằm thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo uỷ quyền của doanh nghiệp bảo hiểm.
  • Kinh doanh tái bảo hiểm: là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm nhận một khoản phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm khác để cam kết bồi thường cho các trách nhiệm đã nhận bảo hiểm.
  • Hoạt động môi giới bảo hiểm là việc cung cấp thông tin, tư vấn cho bên mua bảo hiểm về sản phẩm bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và các công việc liên quan đến việc đàm phán, thu xếp và thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của bên mua bảo hiểm.
  • Bên mua bảo hiểm được định nghĩa là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm và đóng phí bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm có thể đồng thời là người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng.
  • Người được bảo hiểm: là tổ chức, cá nhân có tài sản, trách nhiệm dân sự, tính mạng được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm. Người được bảo hiểm có thể đồng thời là người thụ hưởng.
  • Người thụ hưởng: là tổ chức, cá nhân được bên mua bảo hiểm chỉ định để nhận tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm con người.
  • Quyền lợi có thể được bảo hiểm: là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm.
  • Sự kiện bảo hiểm: là sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm.
  • Phí bảo hiểm: là khoản tiền mà bên mua bảo hiểm phải đóng cho doanh nghiệp bảo hiểm theo thời hạn và phương thức do các bên thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
  • Bảo hiểm sinh kỳ: là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống đến một thời hạn nhất định, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng, nếu người được bảo hiểm vẫn sống đến thời hạn được thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
  • Bảo hiểm tử kỳ: là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm chết trong một thời hạn nhất định, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng, nếu người được bảo hiểm chết trong thời hạn được thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
  • Bảo hiểm hỗn hợp: là nghiệp vụ bảo hiểm kết hợp của bảo hiểm sinh kỳ và bảo hiểm tử kỳ.
  • Bảo hiểm trọn đời: là nghiệp vụ bảo hiểm được áp dụng cho trường hợp người được bảo hiểm chết vào bất kỳ thời điểm nào trong suốt cuộc đời của người đó.
  • Bảo hiểm trả tiền định kỳ: là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống đến một thời hạn nhất định; sau thời hạn đó doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm định kỳ cho người thụ hưởng theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm đã nêu.

Trên đây là tổng hợp một số thuật ngữ cơ bản thường được dùng trong lĩnh vực bảo hiểm và kinh doanh bảo hiểm. Cùng theo dõi để bổ sung thêm kiến thức và lựa chọn tham gia cho mình cùng người thân những gói bảo hiểm tiện ích nhất!

Hashtag:

#bảo_hiểm

Bài viết liên quan

Công ty cổ phần Công Nghệ và Truyền Thông SAMO

VP đại diện: Tầng 9, Tòa Licogi13 - 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Thành Đạt

Email: [email protected]

Liên hệ: 1900 636 232

Sở Kế Hoạch & Ðầu Tư TP Hà Nội Cấp giấy phép số 0106138449

Giấy phép hoạt động: Số 259/ GP - BTTTT do bộ thông tin và truyền thông cấp ngày 20/05/2016

Ðăng kí kinh doanh tại: Số 3, ngõ 361, phố Vũ Tông Phan, Phường Khương Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội

Quét QR code - Tải ứng dụng MOMI ngay