Quyền lợi thai sản bảo hiểm xã hội được tính như thế nào?

Quyên Ngô-08:24 24/04/2023

Trong khi các gói thai sản, gói sức khoẻ của các công ty bảo hiểm quy định rõ ràng về những quyền lợi mà khách hàng được nhận thì quyền lợi thai sản bảo hiểm xã hội vẫn là “ẩn số” đối với nhiều người do chưa nắm bắt được công thức tính. Bài viết dưới đây, Momi sẽ cung cấp đến bạn những thông tin cụ thể nhất về cách tính quyền lợi của gói bảo hiểm xã hội mới nhất năm 2023. Hãy theo dõi để nắm rõ!

Tìm hiểu chung về bảo hiểm xã hội và quyền lợi thai sản bảo hiểm xã hội

Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nêu rõ:

Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

quyen-loi-thai-san-bao-hiem-xa-hoi-2

Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động

Bảo hiểm xã hội có 2 loại: bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong đó, bảo hiểm xã hội bắt buộc cung cấp quyền lợi thai sản hữu ích cho người tham gia. Bên cạnh đó là các chế độ bảo hiểm khác như: ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất.

Cần đáp ứng những tiêu chí gì mới có thể hưởng quyền lợi thai sản bảo hiểm xã hội?

Đối tượng được hưởng quyền lợi thai sản bảo hiểm xã hội

Khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, người lao động sẽ được hưởng quyền lợi thai sản bảo hiểm xã hội khi thuộc 1 trong các trường hợp sau:

  • Lao động nữ mang thai
  • Lao động nữ sinh con
  • Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ
  • Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi
  • Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản
  • Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

Nói cách khác, cả lao động nữ sinh con và lao động nam đang tham gia đóng bảo hiểm xã hội cơ vợ sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản.

Điều kiện hưởng chế độ thai sản của bảo hiểm xã hội

Điều kiện hưởng quyền lợi thai sản bảo hiểm xã hội được quy định rõ ràng trong Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

Đối với phụ nữ sinh con:

  • Lao động nữ sinh con phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
  • Lao động nữ sinh con đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
  • Lao động nữ sinh con đủ điều kiện quy định mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

quyen-loi-thai-san-bao-hiem-xa-hoi

Quyền lợi thai sản bảo hiểm xã hội được quy định rõ trong các điều khoản

Đối với lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh:

Đối với lao động nam thì đảm bảo điều kiện là phải đang đóng bảo hiểm xã hội và có vợ sinh con.

Quyền lợi thai sản bảo hiểm xã hội năm 2023 được tính như thế nào?

Cách tính tiền nghỉ những ngày đi khám

Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ khi đi khám thai chi tiết như sau:

  • Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.
  • Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Mức hưởng tiền nghỉ những ngày đi khám thai được quy định cụ thể về cách tính tại Khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

  • Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Trường hợp lao động nữ hưởng chế độ khi khám thai đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;

  • Mức hưởng một ngày đối với trường hợp hưởng chế độ khi khám thai được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.

Từ đây suy ra công thức tính tiền thai sản khi đi khám thai như sau:

Tiền thai sản = Số ngày nghỉ x (100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ khám thai/24)

Cách tính trợ cấp 1 lần khi sinh con - Quyền lợi thai sản bảo hiểm xã hội hấp dẫn

Mức trợ cấp 1 lần khi sinh con được quy định cụ thể tại Điều 38 Luật bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

  • Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
  • Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

*Theo đó, tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP, mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng.

Như vậy, mức trợ cấp 1 lần sinh con = 1.490.000 đồng x 02 = 2.980.000 đồng.

Cách tính tiền thai sản trong thời gian sinh con

Đối với lao động nữ sinh con:

Thời gian hưởng chế độ thai sản trong thời gian sinh con được quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

  • Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
  • Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

Mức hưởng chế độ thai sản trong thời gian sinh con theo khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Đối với lao động sinh con mà con không may mất:

Thời gian hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà con chết theo khoản 3 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

  • Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con;
  • Nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá trước và sau khi sinh con là 06 tháng;

Thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.

Mức hưởng chế độ thai sản trong thời gian sinh con theo khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Đối với lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con:

(Áp dụng khi nghỉ chế độ thai sản trong vòng 30 ngày kể từ ngày vợ sinh con):

Thời gian hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con được quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

  • 05 ngày làm việc;
  • 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
  • Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
  • Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

Mức hưởng chế độ thai sản trong vòng 30 ngày kể từ ngày vợ sinh con đối với lao động nam theo điểm a và điểm b khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

  • Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
  • Mức hưởng một ngày đối với trường hợp hưởng chế độ thai sản với lao động nam có vợ sinh con trong vòng 30 ngày kể từ ngày sinh tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;

Theo đó, công thức tính tiền thai sản như sau:

Tiền thai sản = Số ngày nghỉ x (100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ /24)

Trường hợp hưởng chế độ thai sản của vợ:

Theo khoản 4, 5, 6, 7 Điều 34 và Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về các trường hợp lao động nam hưởng chế độ thai sản của vợ như sau:

Trường hợp 1: Chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ.

  • Tiền thai sản 01 tháng = 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người mẹ
  • Tiền thai sản 1 ngày trong trường hợp có ngày lẻ = Tiền thai sản 01 tháng/ 30

Trường hợp 2: Cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ.

  • Tiền thai sản 01 tháng = 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người cha.
  • Tiền thai sản 1 ngày trong trường hợp có ngày lẻ = Tiền thai sản 01 tháng/ 30

Trường hợp 3: Chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

  • Tiền thai sản 01 tháng = 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người mẹ
  • Tiền thai sản 1 ngày trong trường hợp có ngày lẻ = Tiền thai sản 01 tháng/ 30

Trường hợp 4: Cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội nhưng người mẹ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà chết thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

  • Tiền thai sản 01 tháng = 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người cha.
  • Tiền thai sản 1 ngày trong trường hợp có ngày lẻ = Tiền thai sản 01 tháng/30

Trường hợp 5: Chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

  • Tiền thai sản 01 tháng = 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người cha.
  • Tiền thai sản 1 ngày trong trường hợp có ngày lẻ = Tiền thai sản 01 tháng/ 30

Lưu ý: Đối với trường hợp người cha đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

Cách tính tiền dưỡng sức sau sinh

  • Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.
  • Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
  • Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:

++ Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;

++ Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;

++ Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.

  • Mức hưởng chế độ thai sản dưỡng sức sau sinh một ngày bằng 30% mức lương cơ sở theo khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, được tính với công thức như sau:

Tiền dưỡng sức sau sinh = Số ngày nghỉ dưỡng sức * 30% * 1.490.000

Trên đây là các thông tin cơ bản về bảo hiểm xã hội và cách tính cơ bản quyền lợi thai sản bảo hiểm xã hội năm 2023. Hy vọng thông qua những thông tin này bạn sẽ định hình được cách tính các quyền lợi bảo hiểm thai sản mà mình được nhận khi tham gia bảo hiểm xã hội.

Hashtag:

#bảo_hiểm
#bao_hiem_thai_san

Bài viết liên quan

Công ty cổ phần Công Nghệ và Truyền Thông SAMO

VP đại diện: Tầng 9, Tòa Licogi13 - 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Thành Đạt

Email: [email protected]

Liên hệ: 1900 636 232

Sở Kế Hoạch & Ðầu Tư TP Hà Nội Cấp giấy phép số 0106138449

Giấy phép hoạt động: Số 259/ GP - BTTTT do bộ thông tin và truyền thông cấp ngày 20/05/2016

Ðăng kí kinh doanh tại: Số 3, ngõ 361, phố Vũ Tông Phan, Phường Khương Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội

Quét QR code - Tải ứng dụng MOMI ngay