8 tiêu chí giúp phân biệt bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ

Quyen Ngo-04:10 13/04/2022

8 tiêu chí giúp khách hàng phân biệt bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ mà bạn nên nắm rõ để chọn mua đúng loại bảo hiểm mình cần

Trong lĩnh vực bảo hiểm có hai loại hình bảo hiểm dễ gây nhầm lẫn với nhau bao gồm bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ. Thực tế hai loại bảo hiểm này có có gì khác nhau? Hãy cùng Momi chỉ ra 8 tiêu chí giúp phân biệt bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ bạn nhé!

Phân biệt khái niệm bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ

Khái niệm bảo hiểm nhân thọ là gì?

Bảo hiểm hiểm nhân thọ

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10, bảo hiểm nhân thọ được định nghĩa như sau:

Bảo hiểm nhân thọ là loại nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết.

Các loại bảo hiểm nhân thọ bao gồm:

  • Bảo hiểm trọn đời;
  • Bảo hiểm sinh kỳ;
  • Bảo hiểm tử kỳ;
  • Bảo hiểm hỗn hợp;
  • Bảo hiểm trả tiền định kỳ;
  • Các nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ khác do Chính phủ quy định.

Hiểu một cách chi tiết hơn, bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm được thiết kế với nhiều quyền lợi và điều khoản đi kèm rõ ràng nhằm mục đích bảo vệ con người trước các rủi ro gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, thân thể và tính mạng. Khi tham gia bảo hiểm nhân thọ, người tham gia sẽ phải đóng phí theo những phương thức đã được thỏa thuận (theo quý, tháng hoặc năm). Những khoản phí này sẽ được đưa và quỹ dự trữ tài chính của các đơn vị bảo hiểm. Trong thời gian diễn ra hợp đồng, nếu sự kiện bảo hiểm xảy ra, phía công ty/đơn vị bảo hiểm sẽ tiến hành chi trả khoán tiền cho người thụ hưởng hoặc được bồi thường trực tiếp cho người được bảo hiểm.

Trong trường hợp người được bảo hiểm không gặp bất kỳ rủi ro nào thì sau khi hợp đồng bảo hiểm kết thúc, người thụ hưởng sẽ được nhận một phần hoặc toàn bộ số tiền bảo hiểm (tuỳ theo quy định riêng của từng hợp đồng).

Chính vì những đặc điểm như trên nên bảo hiểm nhân thọ được coi như một phương thức dự trù tài chính tương lai, an toàn và tiện ích.

Khái niệm bảo hiểm phi nhân thọ là gì?

Bảo hiểm phi nhân thọ

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10, bảo hiểm phi nhân thọ được định nghĩa như sau:

Bảo hiểm phi nhân thọ là loại nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, trách nhiệm dân sự và các nghiệp vụ bảo hiểm khác không thuộc bảo hiểm nhân thọ.

Các loại bảo hiểm phi nhân thọ bao gồm:

  • Bảo hiểm sức khoẻ và bảo hiểm tai nạn con người;
  • Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại;
  • Bảo hiểm hàng hoá vận chuyển đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt và đường không;
  • Bảo hiểm hàng không;
  • Bảo hiểm xe cơ giới;
  • Bảo hiểm cháy, nổ;
  • Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu;
  • Bảo hiểm trách nhiệm chung;
  • Bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính;
  • Bảo hiểm thiệt hại kinh doanh;
  • Bảo hiểm nông nghiệp;
  • Các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ khác do Chính phủ quy định.

Khác với bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ là sản phẩm dành cho người và tài sản. Trong đó, người tham gia sẽ chỉ phải đóng một lần phí duy nhất. Theo các điều khoản có trong hợp đồng, phía công ty bảo hiểm sẽ thực hiện cam kết, chi trả và bồi thường cho người người tham gia bảo hiểm nếu có những rủi ro xảy ra, gây ra những tổn thất về vật chất, cơ thể và con người.

Trong trường hợp người được bảo hiểm không gặp bất cứ rủi ro nào sau khi hợp đồng bảo hiểm, người đó sẽ không được nhận lại số tiền đã đóng.

Các tiêu chí khác giúp phân biệt bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ

Phân biệt bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ

Ngoài khái niệm, bạn cũng có thể phân biệt bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ dựa trên các tiêu chí sau:

Mục đích - ý nghĩa của bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ

  • Đối với bảo hiểm nhân thọ: Bảo hiểm giúp bảo vệ người tham gia trước các rủi ro cuộc sống gây tổn hại đến sức khỏe, thương tật, tính mạng. Ngoài ra, bảo hiểm nhân thọ cũng được biết đến như một nguồn tài chính dự phòng, là kênh tiết kiệm, đầu tư dài hạn có lãi.
  • Đối với bảo hiểm phi nhân thọ: Bảo hiểm phi nhân thọ không có giá trị tích luỹ. Tuy nhiên về nguyên tắc, khi tham gia bảo hiểm người tham gia sẽ được bồi thường một khoản chi phí theo quy định nếu không may gặp phải các vấn đề về người và tài sản. Trường hợp không phát sinh vấn đề gì trong suốt thời hạn bảo hiểm, người tham gia sẽ không được hoàn trả số tiền đã đóng.

Nguyên tắc bồi thường của bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ

  • Đối với bảo hiểm nhân thọ: Nguyên tắc bồi thường của bảo hiểm nhân thọ được thực hiện theo nguyên tắc “khoán” - tức là khi phát sinh sự kiện bảo hiểm, công ty bảo hiểm sẽ căn cứ vào số tiền bảo hiểm đã ký kết cũng như các quy định thỏa thuận trong hợp đồng để trả cho người thụ hưởng một số tiền nhất định. Khoản tiền này chỉ mang tính chất thực hiện cam kết của hợp đồng theo mức khoán - căn cứ vào những điều khoản đã thoả thuận trước đó.
  • Đối với bảo hiểm phi nhân thọ: Nguyên tắc bồi thường của bảo hiểm phi nhân thọ là sử dụng thế quyền và thực hiện bồi thường theo nguyên tắc đóng góp. Riêng với các gói bảo hiểm sức khỏe của bảo hiểm phi nhân thọ thì được bồi thường theo nguyên tắc khoán (dựa trên các thỏa thuận ban đầu) - tương tự như bảo hiểm nhân thọ.

Sử dụng thế quyền ở đây được hiểu là quyền cho phép người tham gia bảo hiểm đòi tiền từ bên chịu trách nhiệm gây ra tổn thống, tương tự cũng có giá trị pháp lý khi cho phép đơn vị bảo hiểm lấy lại số tiền tương ứng từ chính người gây ra tổn thất. Cụ thể hơn, phía công ty bảo hiểm sau khi bồi thường cũng đồng thời có quyền đại diện cho người tham gia bảo hiểm được khiếu nại bên thứ 3 (nếu có) để bồi thường cho mình những thiệt hại do người đó gây ra. Theo đó, người tham gia bảo hiểm sẽ cung cấp các chứng từ cần thiết cho phía công ty bảo hiểm để thực hiện khiếu nại.

Bồi thường theo nguyên tắc đóng góp cũng cho phép công ty bảo hiểm khi đã đền bù cho người được bảo hiểm có quyền kêu gọi các công ty bảo hiểm khác chia sẻ tổn thất với mình. Điều này có thể xảy ra nếu: có từ 2 hợp đồng có hiệu lực trở lên, các hợp đồng bảo hiểm có các quyền lợi chung, hợp đồng bảo hiểm có các rủi ro chung.

Phạm vi và nghiệp vụ bảo hiểm của bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ

  • Đối với bảo hiểm nhân thọ: phạm vi bảo hiểm là con người. Người thụ hưởng chủ yếu là người thân của người tham gia và có thể thay đổi tùy thuộc vào chủ hợp đồng bảo hiểm.
  • Đối với bảo hiểm phi nhân thọ: phạm vị bảo hiểm có thể là con người, tài sản hoặc trách nhiệm dân sự. Người thụ hưởng của bảo hiểm phi nhân thọ là nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của các rủi ro.

Thời hạn hợp đồng của bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ

  • Đối với bảo hiểm nhân thọ: thời hạn hợp đồng tương đối dài - có thể kéo dài từ 10 đến 20 năm thậm chí là trọn đời. Theo đó, thời hạn bảo hiểm càng dài đồng nghĩa với việc người tham gia bảo hiểm được bảo vệ càng lâu.
  • Đối với bảo hiểm phi nhân thọ: thời hạn hợp đồng chỉ chỉ khoảng 1 - 2 năm, thậm chí là ngắn hơn (bảo hiểm du lịch).

Thời gian đóng phí của bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ

  • Đối với bảo hiểm nhân thọ: có thể tùy chọn thời hạn đóng: theo tháng, quý hoặc năm, nửa năm. Ở một số gói bảo hiểm có thể thực hiện đóng 1 lần để tiết kiệm phí đóng.
  • Đối với bảo hiểm phi nhân thọ: thường sẽ chỉ đóng phí 1 lần duy nhất sau khi ký hợp đồng.

Những yếu tố tác động tới phí bảo hiểm

  • Đối với bảo hiểm nhân thọ: Các yếu tố ảnh hưởng đến phí bảo hiểm nhân thọ bao gồm: tuổi tác và sức khỏe (tuổi càng cao, mức phí đóng càng lớn); định kỳ đóng phí (đóng phí 1 năm sẽ thấp hơn đóng phí theo tháng hay quý); số tiền bảo hiểm - giá trị hợp đồng tham gia.
  • Đối với bảo hiểm phi nhân thọ: Các yếu tố tác động đến phí bảo hiểm phi nhân thọ bao gồm: xác suất rủi ro; số tiền bảo hiểm - tương ứng với một giá trị hợp đồng; giá trị đối tượng được bảo hiểm.

Tính tích lũy của bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ

  • Đối với bảo hiểm nhân thọ: Ngoài vai trò bảo vệ người tham gia trước các rủi ro, bảo hiểm nhân thọ cũng được biết đến như một giải pháp tích luỹ hiệu quả, an toàn.
  • Đối với bảo hiểm phi nhân thọ: Hoàn toàn không có khả năng tích luỹ.

Trên đây là 8 tiêu chí giúp phân biệt bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Hy vọng với những chia sẻ trên của Momi sẽ giúp bạn hiểu hơn về hai loại bảo hiểm này. Từ đó chọn mua đúng loại bảo hiểm cho mình và người thân khi cần.

Hashtag:

#bảo_hiểm

Bài viết liên quan

Công ty cổ phần Công Nghệ và Truyền Thông SAMO

VP đại diện: Tầng 9, Tòa Licogi13 - 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Thành Đạt

Email: contact@thebank.vn

Liên hệ: 1900 636 232

Sở Kế Hoạch & Ðầu Tư TP Hà Nội Cấp giấy phép số 0106138449

Giấy phép hoạt động: Số 259/ GP - BTTTT do bộ thông tin và truyền thông cấp ngày 20/05/2016

Ðăng kí kinh doanh tại: Số 3, ngõ 361, phố Vũ Tông Phan, Phường Khương Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội

Quét QR code - Tải ứng dụng MOMI ngay