Tiền gửi các công ty chứng khoán sụt giảm mạnh trong quý 4/2022

Quyên Ngô-03:07 01/02/2023

Tổng kết quý cuối năm 2022, phần lớn các công ty chứng khoán đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh số dư tiền gửi khách hàng. Thậm chí có nhiều khách hàng còn bị mất tới hàng nghìn tỷ đồng so với quý trước đó.

Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại năm 2022 với sắc màu ảm đạm khi chứng kiến sự sụt giảm liên tục của chỉ số VN-Index, thanh khoản cũng bấp bênh với sự đi lùi liên tục của giá trị giao dịch trên sàn HoSE. Thậm chí có những phiên còn rơi về mức thấp kỷ lục trong hàng chục tháng với giá trị quang ngưỡng 7.000 tỷ đồng. Dễ thấy rằng, tiền đầu tư đang dần “di dân” khỏi thị trường chứng khoán.

Tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán có sự sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây

Tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán có sự sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây

Theo ước tính, số tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán cuối quý 4/2022 chỉ còn khoảng 60.000 tỷ đồng - tức làm giảm 14.000 tỷ đồng so với con số cuối quý 3 và giảm tới 34.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2021. Như vậy, trong quý 4 con số này đã giảm gần 40.000 tỷ đồng so với hồi quý 1 - quý ghi nhận số tiền gửi kỷ lục. Số tiền này được xác định là tiền gửi của nhà đầu tư chứng khoán theo phương thức công ty chứng khoán quản lý. Lượng tiền này thực chất vẫn đang nằm trong tài khoản nhà đầu tư và chưa được thực hiện giải ngân vào thời điểm 31/12/2022.

Theo thống kê, VPS là đơn vị có dư tiền gửi lớn nhất, đạt xấp xỉ 18.000 tỷ đồng. Tuy có lợi thế dẫn đầu về thị phần môi giới trên cả 3 sàn song cũng không thể giúp đơn vị này gỡ rối việc bị giảm lượng tiền gửi. Cụ thể, trong quý 4/2022, số tiền gửi khách hàng của VPS đã giảm gần 1.100 tỷ đồng so với quý 3 và là quý thứ 3 bị sụt giảm liên tiếp.

Đáng buồn hơn so với VPS là VNDirect. Lượng tiền gửi khách hàng của đơn vị này đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh với lượng tiền “ra đi” là 1.700 tỷ đồng, qua đó kéo VNDirect xuống vị trí thứ 2 toàn ngành. Cùng chung diễn biến, VDSC cũng chứng kiến số lượng tiền gửi nhà đầu tư giảm hơn 1.400 tỷ đồng trong quý cuối năm 2022.

Một số công ty chứng khoán còn lại có lượng giảm “nhẹ” hơn, gồm: SSI với lượng giảm là 181 tỷ đồng (còn 4.715 tỷ đồng); Mirae Asset giảm 770 tỷ còn 3.114 tỷ đồng; MSBS giảm 615 tỷ đồng còn 3.079 tỷ đồng; FPTS giảm 689 tỷ đồng còn 2.529 tỷ đồng;...

Lượng tiền trong tài khoản nhà đầu tư sụt giảm mạnh trong bối cảnh tài khoản chứng khoán mở mới đang có dấu hiệu giảm nhiệt trong những tháng gần đây. Thêm nữa, số lượng tài khoản cũng không phản ánh được hết mức độ quan tâm của giới đầu tư vì trong thực tế một cá nhân có thể mở được nhiều tài khoản chứng khoán khác nhau tại các công ty chứng khoán khác nhau.

Thị trường giảm nhiệt là một trong những lý do khiến dòng tiền đổi hướng

Thị trường giảm nhiệt là một trong những lý do khiến dòng tiền đổi hướng

Đi cùng với sự sụt giảm mạnh của tiền gửi khách hàng là dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán. Theo ước tính, dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán thời điểm 31/12/2022 rơi vào khoảng 120.000 tỷ đồng, giảm gần 40.000 tỷ đồng so với quý trước trong khi đó, dư nợ cho vay margin đã rơi vào khoảng 115.000 tỷ đồng.

Trước đó, trong khoảng cuối quý 2 và nửa sau năm 2022 rất nhiều nhà đầu tư đã bán giải chấp cổ phiếu dẫn tới thua lỗ, thêm nữa dòng tiền cũng rút ra một phần khỏi chứng khoán. Sự biến chuyển của dòng tiền đầu tư hậu Covid đã phần nào khiến cho thị trường thêm ảm đạm. Chưa kể, lãi suất ngân hàng những tháng gần đây đang có chiều hướng tăng lên làm cho dòng tiền “ra đi” ngày càng nhiều hơn.

Mặc dù vậy, trong dài hạn thị trường chứng khoán vẫn được nhận định là tương đối khả quan. Xu hướng dịch chuyển sản xuất trong dài hạn sang Việt Nam và sự hội nhập ngày một sâu rộng hơn của đất nước với nền kinh tế toàn cầu sẽ được cho là cơ hội lớn, tạo tiền đề để kinh tế Việt Nam vươn mình trong những năm tiếp theo.

Việc phát triển thị trường vốn và nâng hạng thị trường Việt Nam thành thị trường mới nổi chỉ là vấn đề thời gian, điều này góp phần kéo một lượng lớn vốn nước ngoài đổ vào đây. Minh chứng là trong năm 2022 thị trường đã chứng kiến sự “mạnh tay” hơn của các nhà đầu tư ngoại.

Theo đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam đang rất hấp dẫn, hứa hẹn sẽ mang lại lợi nhuận tiềm năng cho nhà đầu tư trong dài hạn.

Hashtag:

#đầu_tư
#chứng_khoán

Bài viết liên quan

Công ty cổ phần Công Nghệ và Truyền Thông SAMO

VP đại diện: Tầng 9, Tòa Licogi13 - 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Thành Đạt

Email: [email protected]

Liên hệ: 1900 636 232

Sở Kế Hoạch & Ðầu Tư TP Hà Nội Cấp giấy phép số 0106138449

Giấy phép hoạt động: Số 259/ GP - BTTTT do bộ thông tin và truyền thông cấp ngày 20/05/2016

Ðăng kí kinh doanh tại: Số 3, ngõ 361, phố Vũ Tông Phan, Phường Khương Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội

Quét QR code - Tải ứng dụng MOMI ngay