Những án phạt giáng xuống thị trường chứng khoán Việt trong năm 2022

Quyên Ngô-08:11 05/01/2023

Năm 2022 qua đi để lại những dấu ấn đậm nét trong công cuộc nỗ lực “làm sạch” thị trường của các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Việt. Hàng loạt các vụ đại án được phanh phui. Trên sàn, các động thái xử phạt cũng được thực hiện mạnh tay hơn so với trước.

Theo thống kê, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã công bố tổng cộng 137 quyết định xử phạt thị trường chứng khoán. Trong đó có 17 quyết định xử phạt với cá nhân; 120 quyết định xử phạt đối với tổ chức. Tổng số tiền phạt thu về lên tới 28 tỷ đồng.

Trước đó, vào năm 2021, số quyết định xử phạt được ban hành của đơn vị này là 303. Số tiền xử phạt chỉ gần 21 tỷ đồng. Như vậy, trong năm 2022, số quyết định xử phạt đã giảm hơn một nửa so với năm trước đó song số tiền phạt lại gia tăng mạnh hơn nhiều. Điều này phản ánh rằng, năm 2022 các quyết định xử phạt ban hành ra đều nặng hơn nhiều so với năm trước đó. Bình quân mỗi quyết định xử phạt năm 2022 là 204 triệu đồng, trong khi năm 2021 chỉ bằng 1/3 con số đó.

Đáng nói nhất trong năm 2022 phải kể đến quyết định xử phạt kịch khung đối với ông Trịnh Văn Quyết - Cựu chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FLC hồi tháng 1/2022. Theo đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt ông Quyết số tiền 1,5 tỷ đồng và đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu FLC trong vòng 5 tháng.

ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố hình sự, khởi tố bị can về tội Thao túng thị trường chứng khoán

Ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố hình sự, khởi tố bị can về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”

Tuy nhiên, án phạt này sau đó đã bị huỷ bỏ bởi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố hình sự, khởi tố bị can về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”. Cụ thể, ông Quyết đã cùng các cá nhân là người có quan hệ họ hàng mình thành lập công ty, đồng thời sử dụng chứng minh nhân dân của người thân để mở tổng cộng 450 tài khoản chứng khoán và thực hiện thao túng 6 mã chứng khoán gồm: FLC, ART, ROS, HAI, GAB, AMD.

Bên cạnh đó, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an (C01) đã ra quyết định bổ sung đối với ông Quyết để điều tra về tội chiếm đoạt tài sản, liên quan đến hành vi tăng vốn khống tại Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros từ 1,5 lên 4.300 tỷ đồng.

Đứng thứ hai trong số các án phạt lớn nhất năm 2022 là vụ việc liên quan đến Công ty cổ phần chứng khoán APG. Ngày 5/12, công ty này đã bị phạt vì hàng loạt vi phạm như: lập, xác nhận hồ sơ đăng ký dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến có thông tin không chính xác, không báo cáo thông tin theo quy định, không lưu giữ tài liệu về việc lựa chọn nhà đầu tư tham gia mua chứng khoán, vi phạm quy định hạn chế cho vay, báo cáo thông tin có nội dung sai lệch, sử dụng tiền chào bán không đúng phương án Đại hồi đồng cổ đông thông qua.

Năm 2022 còn có 4 vụ xử phạt thao túng giá cổ phiếu tuy nhiên chỉ bị phạt hành chính do cá nhân không thu lợi bất hợp pháp. Cụ thể có: Thao túng giá cổ phiếu TTB của hai cá nhân là ông Dương Thanh Xuân và ông Nguyễn Thành Nam; thao túng giá cổ phiếu TNI do ông Nguyễn Ngọc Long thực hiện; thao túng giá cổ phiếu DAH do bà Vũ Thị Ngọc Ánh thực hiện và thao túng giá cổ phiếu TNA do ông Hồ Nam Huy thực hiện.

Ngoài vụ việc của FLC, thị trường chứng khoán còn chứng kiến đợt thanh trừng lớn chưa từng thấy liên quan đến loạt cá nhân và doanh nghiệp lớn như vụ của Louis Holding do Đỗ Thành Nhân cấu kết loạt cá nhân thực hiện; đại án liên quan đến thị trường trái phiếu của hai doanh nghiệp Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát.

Các án phạt liên tiếp được đưa ra với mục đích làm sạch thị trường chứng khoán

Các án phạt liên tiếp được đưa ra cho thấy nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc thanh trừng và làm sạch thị trường chứng khoán

Đối với nhóm công ty chứng khoán, các quyết định xử phạt chủ yếu liên quan đến vi phạm quy định cho vay ký quỹ, bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, cũng có một vài công ty chứng khoán bị xử phạt vì có liên quan tới đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của nhóm Tân Hoàng Minh như Chứng khoán KIS; Chứng khoán An Bình; Chứng khoán Everest.

Từ những quyết định xử phạt mạnh tay như trên của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Việt, mong rằng trong những năm tới thị trường chứng khoán Việt sẽ trở nên lành mạnh và minh bạch hơn. Từ đó hấp dẫn nhiều nhà đầu tư hơn, biến chứng khoán thành kênh dẫn vốn tiêu biểu cho các doanh nghiệp, tổ chức.

Hashtag:

#đầu_tư
#chứng_khoán

Bài viết liên quan

Công ty cổ phần Công Nghệ và Truyền Thông SAMO

VP đại diện: Tầng 9, Tòa Licogi13 - 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Thành Đạt

Email: [email protected]

Liên hệ: 1900 636 232

Sở Kế Hoạch & Ðầu Tư TP Hà Nội Cấp giấy phép số 0106138449

Giấy phép hoạt động: Số 259/ GP - BTTTT do bộ thông tin và truyền thông cấp ngày 20/05/2016

Ðăng kí kinh doanh tại: Số 3, ngõ 361, phố Vũ Tông Phan, Phường Khương Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội

Quét QR code - Tải ứng dụng MOMI ngay