Báo cáo lợi nhuận quý 2: Nhóm chứng khoán giảm mạnh, hầu hết các công ty đều tăng trưởng âm
Trong báo cáo tổng kết mới đây, tổng lợi nhuận quý 2/2022 của nhóm 30 công ty chứng khoán top đầu giảm khoảng 4000 tỷ đồng so với quỹ trước đó và giảm gần 5000 tỷ so với quý 4/2021 - giai đoạn thị trường sôi động nhất từ trước đến nay.
Trong bối cảnh thị trường biến động không thuận lợi cùng thanh khoản giảm sút, quý 2 vừa qua có thể coi là giai đoạn khó khăn nhất đối với ngành chứng khoán trong nhiều năm trở lại đây. Theo ước tính, tổng lợi nhuận trước thuế của top 30 công ty chứng khoán hàng đầu thị trường chỉ đạt gần 3.300 tỷ đồng, mất 3000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
So với quý liên trước - quý 1/2022. Tổng lợi nhuận của 30 công ty chứng khoán trên đã bị giảm gần 4.000 tỷ đồng. Khi so sánh với thời kỳ “hoàng kim” của chứng khoán là quý 4/2021, con số này còn có sự tụt hạng hơn khi hụt hơn 5.000 tỷ đồng. Đây không chỉ là thời điểm vàng của tăng trưởng lợi nhuận các công ty chứng khoán mà còn chứng kiến sự đua nhau lập đỉnh của loạt cổ phiếu. Có những cái tên đã lập kỷ lục với vốn hoá trên 10.000 tỷ. Thậm chí có lúc lên tới hàng tỷ USD. Tuy vậy, đến thời điểm này, tất cả chỉ còn là “dĩ vãng”, con số lợi nhuận chỉ dừng lại chưa đến một nửa. Loạt cổ phiếu rơi vào cảnh giảm sâu, kéo theo đó là lợi nhuận cũng “tuột dốc không phanh”.
Lợi nhuận quý 2 các công ty chứng khoán giảm mạnh
Sau khi đạt đỉnh, lợi nhuận của hầu hết các công ty chứng khoán đều có sự chững lại từ quý 1/2022, riêng TCBS có sự bứt phá hơn so với các đối thủ cùng ngành. Thị trường chứng kiến nhiều đợt lập đỉnh bất thành, thanh khoản hạ nhiệt,... Chính những yếu tố này đã tác động không nhỏ đến kết quả hoạt động kinh doanh của nhóm chứng khoán.
Tác động ngày càng trở nên rõ rệt hơn khi trong quý 2 vừa qua, hầu hết các công ty chứng khoán đều ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Thậm chí, nhiều công ty còn bị lỗ nặng do tự doanh kém hiệu quả, tiêu biểu có các cái tên như: Chứng khoán Tiên Phong TPS, Chứng khoán ACBS, Chứng khoán SHS, Chứng khoán Rồng Việt VDSC, Chứng khoán Liên Việt LVS,...
Đến cả những cái tên lớn nhất của thị trường chứng khoán cũng ra thông báo mức lãi âm, giảm đến hàng chục phần trăm như: Chứng khoán SSI (-26%), TCBS (-17%), VCSC (-30%), FPTS (-58%), VIX (-47%). Thậm chí có công ty còn giảm đến hơn 80% lãi so với cùng kỳ như trường hợp BSC (-90%), VietinBank Securities (-98%), Agriseco (-90%), VCBS (-87%), BVSC (-82%). Sau đỉnh cao có đến 4 đại diện góp mặt trong câu lạc bộ lãi nghìn tỷ, giờ đây nhóm chứng khoán đã không thể giữ được phong độ như trong quý 2.
Mặc dù vậy, vẫn tồn tại những điểm sáng từ một số đơn vị. Tiêu biểu trong quý vừa qua, VNDirect thông báo lãi quý 2 tăng 32% tự doanh vẫn ổn với chủ lực danh mục là cổ phiếu PTI ngược dòng, trong khi đó VPS và 3 công ty chứng khoán nước ngoài là Maybank, KBSV và Mirae Asset đều tăng trưởng nhờ vào lãi cho vay và phải thu. Quán quân tăng trưởng thuộc về Smart Invest (AAS) với lợi nhuận gấp hàng chục lần so với nền thấp cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh nhóm tăng trưởng âm, lợi nhuận quý 2 một số công ty chứng khoán vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng
Nhìn chung, bức tranh 6 tháng đầu năm phản ánh lợi nhuận có phần đỡ ảm đạm hơn nhờ vào khoảng thời gian dễ thở trong quý 1. Ngoài SSI và HSC báo lãi giảm nhẹ, các công ty chứng khoán trong top đầu đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương. Ngược lại, SHS mặc dù thoát lỗ nhưng lợi nhuận 6 tháng đã giảm mạnh lên đến 95% trong khi ACBS và VDSC lỗ cả quý 2 lần 6 tháng đầu năm.
Thời điểm cuối quý 2, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán còn lại khoảng 150.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay margin chiếm tới 140.000 tỷ đồng, phần còn lại là ứng trước tiền bán. Dư nợ margin trên toàn thị trường ước tính giảm khoảng 42.000 tỷ so với cuối quý 1. Tuy nhiên, lãi từ cho vay và phải thu của phần lớn các công ty chứng khoán vẫn ghi nhận tăng trưởng. Điều này cho thấp áp lực call margin chủ yếu xảy ra vào thời điểm cuối quý.
Trong khi đó, số dư tiền gửi của các nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán vào cuối quý 2 ước tính cũng đã giảm 20.000 tỷ so với quý trước, chỉ đạt khoảng 80.000 tỷ đồng. Đây chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư tại công ty chứng khoán quản lý, đang có sẵn trong tài khoản và chưa thực hiện giải ngân tại thời điểm 30/6.
Theo: Nhịp sống kinh tế
Hashtag:
Công ty cổ phần Công Nghệ và Truyền Thông SAMO
VP đại diện: Tầng 9, Tòa Licogi13 - 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Thành Đạt
Email: [email protected]
Liên hệ: 1900 636 232
Sở Kế Hoạch & Ðầu Tư TP Hà Nội Cấp giấy phép số 0106138449
Giấy phép hoạt động: Số 259/ GP - BTTTT do bộ thông tin và truyền thông cấp ngày 20/05/2016
Ðăng kí kinh doanh tại: Số 3, ngõ 361, phố Vũ Tông Phan, Phường Khương Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội