Cổ phiếu mất giá nghiêm trọng, HPG “mất chân” trong Top 10 doanh nghiệp vốn hoá lớn nhất sàn chứng khoán Việt
Đã qua rồi thời đỉnh cao, Hòa Phát (HoSE: HPG) chính thức bước vào giai đoạn khó khăn khi làm mất đến hơn 143.000 tỷ đồng chỉ trong gần 1 năm. Điều này cũng đồng thời cũng khiến “vua thép” đất Việt “mất chân” trong Top 10 doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất sàn chứng khoán Việt.
Thị trường chứng khoán Việt đang trong nhịp điều chỉnh mạnh khi các mốc quan trọng lần lượt bị xuyên thủng do tác động từ áp lực bán mạnh tại hầu hết các nhóm cổ phiếu. Trong đó, vua thép Việt - HPG cũng không thể tránh được “thảm cảnh”. Cổ phiếu này đã chứng kiến đợt giảm sâu chưa từng thấy, có thời điểm trôi tận xuống vùng giá 1x - Điều ít người ngờ tới.
Nhìn lại lịch sử, cổ phiếu HPG đã vượt qua vùng giá 1x khoảng 30 tháng trước (tháng 4/2020). Sau đó lại chứng kiến thêm 3 lần điều chỉnh giá do chia cổ tức. Mặc dù có giảm nhẹ song HPG vẫn chưa từng một lần trở lại vùng giá này. Do đó, khi chứng kiến những diễn biến giá của HPG ở thời điểm hiện tại, nhiều nhà đầu tư tỏ ra khá “bàng hoàng”.
Cổ phiếu HPG mất giá nghiêm trọng sau gần 2 năm
Kết phiên 5/10, cổ phiếu HPG dừng lại ở mức 19.200 đồng/cổ phiếu, vốn hóa tương ứng 111.600 tỷ đồng. Như vậy, Hoà Phát đã chính thức “out” khỏi Top 10 doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất sàn chứng khoán việt Nam.
Diễn biến này chính là điều ít người có thể dự đoán được khi chỉ 1 năm trước đây, HPG đã từng giữ vững vị trí thứ 4 trên sàn chứng khoán, chỉ sau 3 cái tên lớn là Vietcombank (VCB), Vingroup (VIC) và Vinhomes (VHM). So với đỉnh, vốn hoá của vua thép đã mất đi gần 143.000 tỷ đồng (xấp xỉ 6,2 tỷ USD).
Sau sự tụt hạng của HPD, Top 10 vốn hoá trên thị trường đã mất bóng dáng của ngành công nghiệp nặng, còn sót lại là nhóm ngân hàng, bất động sản và một số doanh nghiệp đầu ngành lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng.
Tuy không còn trong Top 10 vốn hoá những Hòa Phát vẫn là cái tên đứng top đầu trên cả 3 sàn về vốn điều lệ (58.000 tỷ đồng), chỉ đứng sau VPB (67.000 tỷ đồng). Đồng thời, số lượng cổ phiếu trôi nổi tự do (free float) của HPG cũng nhiều thứ 2 sàn với gần 3,2 tỷ đơn vị.
Chính điều này lại đang khiến HPG chịu áp lực hơn nữa khi dòng tiền hiện không quá dồi dào để “hấp thụ” lại lượng cổ phiếu free float khổng lồ trên thị trường. Diễn biến này trái ngược hoàn toàn với đợt cuối năm 2021 khi giá trị giao dịch của mã chứng khoán này có những phiên cán mốc hàng nghìn tỷ đồng nhờ lực cầu cao, gánh thanh khoản của cả thị trường.
Cổ phiếu HPG sụt giảm trong bối cảnh có nhiều diễn biến không thuận lợi tác động đến kết quả kinh doanh, cụ thể là giá thép. Quý 2 năm nay có thể được xem là một trong những giai đoạn khó khăn nhất của doanh nghiệp này và cả ngành thép trong hơn 2 năm trở lại đây. Giá thép giảm trong khi nguyên liệu đầu vào vẫn cao khiến lợi nhuận ròng bị sụt giảm mạnh.
Trong những tháng cuối năm, dự báo giá thép có thể tăng nhưng vẫn ở mức khiêm tốn cho thấy nhu cầu của người mua cuối cùng tăng khá chậm.
Bên cạnh việc chịu áp lực từ kết quả kinh doanh, cổ phiếu HPG còn chịu tác động từ lực bán mạnh từ phía các nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ trong phiên 5/10, khối ngoại đã bán ròng gần 141 tỷ đồng cổ phiếu 141 tỷ đồng - góp phần khiến thị giá giảm sâu. Như vậy tính từ đầu năm đên nay, khối ngoại đã bán ròng 5.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng cũng là yếu tố gây bất lợi cho doanh nghiệp này khi cơ cấu tài chính của Hòa Phát ghi nhận nợ vay chiếm tỷ trọng lớn. Thậm chí có thể tăng thêm nữa khi dự án Dung Quất 2 của tập đoàn này chính thức đi vào khởi công.
Ngành thép cũng là ngành đang chịu những “đòn giáng” mạnh từ việc tỷ giá leo thang. Chỉ riêng trong quý 2, đồng USD tăng cao khiến doanh nghiệp lỗ tỷ giá 1.100 tỷ đồng.
Mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng cũng là yếu tố gây bất lợi cho doanh nghiệp này
Dự báo cho thấy giá nguyên liệu có thể giảm tiếp trong quý 4 năm nay. Điều cũng giúp giảm chi phí sản xuất thép thô của Hoà Pháp thấp đi đôi chút trong những quý tới. Nhất là khí HPG đã chủ động hạn chế dự trữ nguyên liệu và cắt giảm sản xuất trong tháng 7 & 8. Như vậy, một phần lớn thép bán ra trong quý 3 sẽ được sản xuất từ nguồn nguyên liệu giá cao.
Về dự án Dung Quất, sau khi khởi công vào tháng 5/2022 và đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. Giai đoạn 1 sẽ đi vào hoạt động từ giữa năm 2024 và giai đoạn 2 từ cuối năm 2024. Nhờ đó tổng công suất của Hoà Phát sẽ tăng 66% so với cuối năm 2021, dự kiến là 14,6 triệu tấn/năm.
Hashtag:
Công ty cổ phần Công Nghệ và Truyền Thông SAMO
VP đại diện: Tầng 9, Tòa Licogi13 - 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Thành Đạt
Email: [email protected]
Liên hệ: 1900 636 232
Sở Kế Hoạch & Ðầu Tư TP Hà Nội Cấp giấy phép số 0106138449
Giấy phép hoạt động: Số 259/ GP - BTTTT do bộ thông tin và truyền thông cấp ngày 20/05/2016
Ðăng kí kinh doanh tại: Số 3, ngõ 361, phố Vũ Tông Phan, Phường Khương Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội