Chứng khoán 2023 trong cảnh ngóng đợi dòng vốn ngoại
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã phải trải qua một năm 2022 đầy khó khăn với những đợt điều chỉnh kéo dài từ suốt tháng 4 đến tận cuối năm. Những tín hiệu đáng mừng dần được thắp lên trong quý 4 được cho là đến từ dòng chảy trở lại của vốn ngoại, hứa hẹn sẽ tô điểm nét tươi tắn cho bức tranh chứng khoán 2023.
Chỉ từ đầu tháng 11/2022 đến ngày 26/12/2022, nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân mua ròng tới gần 28.400 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Đây được cho là mức mua ròng kỷ lục trong suốt 10 năm qua. Đây cũng đồng thời là động lực quan trọng giúp kéo thị trường trở lại đường đua trong nửa cuối tháng 11 và đầu tháng 12 trong bối cảnh tỷ giá và lãi suất cũng có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán SSI, dòng tiền vào các tài sản tài chính đã có dấu hiệu cải thiện, đặc biệt ở thị trường mới nổi (EM). Nguyên nhân được cho là do đô-la Mỹ yếu đi đã giúp dòng vốn có sự dịch chuyển.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc nới lỏng chính sách ứng phó dịch Covid-19 cũng phần nào giúp dòng tiền tiến mạnh hơn vào các quốc gia châu Á như Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ.
Thêm nữa, việc chỉ số USD đã rớt đỉnh từ 114 còn 104 đã phần nào làm giảm đi sức hấp dẫn của đô la Mỹ. Trong khi đó, nhìn nhận từ quá khứ có thể thấy, các kênh đầu tư chứng khoán tại các nền kinh tế mới nổi có sự biến thiên theo hướng ngược chiều với diễn biến của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế.
Giới đầu tư cho rằng việc Fed giảm mức độ tăng lãi suất sẽ làm chênh lệch giữa Mỹ và các quốc gia khác trở nên nhỏ hơn.
Như vậy, khi đô la Mỹ không còn dư địa tăng mạnh, dòng tiền sẽ dịch chuyển sang các nước khác, bao gồm Việt Nam.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng phân tích rằng, dòng vốn ngoại thường được chia thành hai nhóm là quỹ đầu tư chủ động và quỹ đầu tư thụ động (ETF). Sự khác biệt giữa hai nhóm quỹ này chính là vấn đề lớn cần quan tâm, nhìn nhận sát sao. Trong khi quỹ chủ động có thời hạn đầu tư khá dài và tập trung hơn vào triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong dài hạn thì ngược lại các quỹ ETF tương đối ngắn và việc rút vốn có thể xảy ra khá nhanh.
Dữ liệu thống kế mới nhất từ VNDirect cho thấy, Việt Nam ghi nhận dòng vốn vào ròng đến từ các quỹ ETF có giá trị tương đối cao, đạt 12.636 tỷ đồng trong quý 4, tăng vọt so với mức chỉ 6,4 tỷ đồng trong quý 3/2022.
Sự tham gia tích cực của các quỹ ETF trong đợt cuối năm vừa có thể coi như điểm sáng tích cực cho thị trường chứng khoán 2023. Tuy vậy cũng cần hết sức lưu ý khi dòng tiền này vào cũng nhanh và rút ra cũng vội không kém. Việc rút ra vội như vậy của dòng vốn này có thể khiến cho áp lực thị trường tăng cao, gây ảnh hưởng xấu đến giới đầu tư.
Triển vọng chứng khoán 2023 phụ thuộc lớn vào nhịp độ vốn ngoại
Với kỳ vọng lãi suất của Fed sẽ nhích lên mức 5% trong nửa đầu năm 2023 và bắt đầu cắt giảm 25 điểm cơ bản đầu tiên trong quý 1/2024 cùng sự kết hợp của việc cải thiện dự trữ ngoại hối và lập trường bớt diều hâu hơn của Fed vào khoảng giữa năm 2023, VnDirect mong rằng đà giảm giá của đồng tiền sẽ chấm dứt, hé mở khả năng tỷ giá cuối năm 2023 giảm 1 - 2% so với hiện tại. Qua đó gia tăng sự hấp dẫn cho thị trường chứng khoán Việt Nam để thu hút dòng vốn từ quỹ ETF.
Trong khi nhiều quốc gia đang đứng trước nguy cơ suy thoái, Việt Nam vẫn được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực từ 6 - 6,5%. Báo cáo triển vọng kinh tế châu Á của IMF (tháng 10/2022) dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam sẽ cao nhất khối ASEAN, đạt 7% trong năm 2022 và 6,2% trong năm 2023.
Ngoài ra, với chỉ số P/E của thị trường chứng khoán hiện chỉ ở mức 11,3. Đây được đánh giá là mức hấp dẫn, thấp hơn so với hầu hết các thị trường khác trên thế giới.
Những lo ngại lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt chủ yếu đến từ vấn đề lãi suất. Nếu lãi suất huy động tiếp tục gia tăng như trong giai đoạn vừa qua thì dòng tiền sẽ lại quay về hệ thống ngân hàng, gây áp lực đến lãi suất cho vay và làm ảnh hưởng tới chi phí vốn vay của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Thêm nữa, việc tăng lãi suất nhanh thời gian qua và neo ở mức cao tại nhiều nước cùng làm thay đổi chiến lược đầu tư của nhiều tập đoàn quốc tế. Như mới đây, SK Group cũng đang cân nhắc bán một số tài sản ở Việt Nam và Malaysia để chuẩn bị cho trường hợp kinh tế xấu đi.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều công ty lớn của Hàn Quốc đang gia tăng tích trữ tiền mặt, tránh đầu tư quyết liệt vào các dự án mới trong bối cảnh kinh doanh ảm đạm trong năm 2023.
Hiện dư nợ vay ròng tại SK Inc. Công ty Holding của SK Group đã tăng vọt lên tới 10.870 tỷ won trên cơ sở hợp nhất vào cuối quý 3, từ mức 6.880 tỷ won vào cuối năm 2018. Có thể thấy trong bối cảnh lãi suất đang neo cao như hiện nay, áp lực trả lãi của các tổ chức, doanh nghiệp đều đang rất lớn. Vì vậy, các tập đoàn buộc phải sử dụng đòn bẩy cao nhằm tìm cách thu hẹp lại danh mục đầu tư từ vay nợ cũng là điều tương đối hợp lý.
Hashtag:
Công ty cổ phần Công Nghệ và Truyền Thông SAMO
VP đại diện: Tầng 9, Tòa Licogi13 - 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Thành Đạt
Email: [email protected]
Liên hệ: 1900 636 232
Sở Kế Hoạch & Ðầu Tư TP Hà Nội Cấp giấy phép số 0106138449
Giấy phép hoạt động: Số 259/ GP - BTTTT do bộ thông tin và truyền thông cấp ngày 20/05/2016
Ðăng kí kinh doanh tại: Số 3, ngõ 361, phố Vũ Tông Phan, Phường Khương Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội