Cần đáp ứng những điều kiện nào cổ phiếu FLC mới có thể giao dịch trở lại?

Quyên Ngô-03:56 08/09/2022

Liên quan đến việc cổ phiếu FLC bị đình chỉ giao dịch, phía đại diện Bộ Tài chính cho rằng bản thân doanh nghiệp phải khắc phục được những vi phạm khiến cổ phiếu huỷ niêm yết và có nguyện vọng giao dịch trở lại, khi đó các cơ quan quản lý sẽ có cơ sở để xem xét lại theo pháp luật. Bên cạnh đó, vị này cũng đồng thời đề cao những tác động tích cực của bản thân cổ đông và các nhà đầu tư trong việc thúc đẩy công tác khắc phục các vi phạm nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vào tháng 8/2022, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi (Bộ Tài chính) có đưa ra câu trả lời liên quan đến điều kiện để cổ phiếu FLC và ROS được giao dịch trở lại trên thị trường. Ông cho biết, bản thân các doanh nghiệp này phải khắc phục được những vi phạm khiến cổ phiếu bị huỷ niêm yết và có nguyện vọng đưa cổ phiếu giao dịch trở lại. Khi đó, dựa trên những nỗ lực này, các cơ quan quản lý sẽ xem xét lại trên cơ sở quy định của pháp luật.

Cụ thể, Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros và Công ty cổ phần Tập đoàn FLC phải khắc phục các lỗi vi phạm như sau: vi phạm về công bố thông tin về báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2022 và chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên.

Điều kiện cơ bản cổ phiếu FLC cần đáp ứng nếu muốn mở cửa giao dịch trở lại

Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu ra những điều kiện cơ bản cổ phiếu FLC cần đáp ứng nếu muốn mở cửa giao dịch trở lại

Bàn về quyền lợi nhà đầu tư, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, việc huỷ niêm yết đương nhiên tác động không nhỏ tới quyền lợi nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, với vai trò là cổ đông, nhà đầu tư cần phải có ý kiến tại đại hội cổ đông, yêu cầu lãnh đạo các doanh nghiệp phải thực hiện khắc phục các vi phạm và thực hiện niêm yết trở lại để giảm thiệt hại kinh tế. Liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong vụ việc của cựu lãnh đạo FLC và các tội danh trên thị trường chứng khoán, Thứ trưởng cho biết vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và chưa đi đến kết luận cuối cùng. Khi có kết quả, Bộ sẽ công khai trách nhiệm cá nhân và tập thể, kể cả các cơ quan quản lý Nhà nước.

Để phòng ngừa các vụ việc tương tự, Thứ trưởng cho biết Bộ Tài chính đã đưa ra Chỉ thị 02 nêu rõ một loạt các giải pháp để có thể phòng ngừa, chấn chỉnh các hành vi này. Chỉ thị nêu rõ từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đến giám sát, kiểm tra các giao dịch chứng khoán.

Cụ thể, phía Bộ Tài chính đã giao cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phối hợp cùng với Vụ Tài chính ngân hàng, các tổ chức tín dụng, Vụ Pháp chế, Cục Tài chính doanh nghiệp, Cục Quản lý, giám sát kế toán, Kiểm toán,... rà soát tổng thể Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định mới phù hợp hơn với sự phát triển của thị trường, làm giảm thiểu tối đa những nguy cơ mất an ninh, an toàn thị trường, bảo vệ doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Ngoài ra, cơ quan quản lý chứng khoán cũng phải rà soát những quy định về phát hành chứng khoán riêng lẻ tại Luật Doanh nghiệp để kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Các đơn vị trực thuộc phải thực hiện việc tổng hợp và trình lên lãnh đạo Bộ Tài chính trước 30/9/2022.

Liên quan đến các hoạt động niêm yết, thay đổi cơ cấu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã giao cho UBCKNN chỉ đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX); Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tăng cường giám sát các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường.

Cần thẩm định chặt chẽ các hồ sơ đăng ký niêm yết/giao dịch chứng khoán của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó cũng cần chú trọng kiểm soát chất lượng, đảm bảo tính chính xác của hồ sơ. Đặc biệt cần lưu ý với các công ty có hiện tượng tăng vốn nhanh, các công ty mới thành lập, doanh thu chưa tương xứng với quy mô, chưa có định hướng kinh doanh rõ ràng hoặc chưa có sản phẩm,...

Bộ Tài chính cũng yêu cầu UBCKNN phối hợp thêm với các đơn vị trực thuộc Bộ, Tổng cục thuế, thực hiện nghiên cứu, đề xuất với Ngân hàng Nhà nước giải pháp giám sát chặt chẽ quy trình tăng vốn, góp vốn, chuyển nhượng vốn của các công ty đại chúng, đảm bảo các hoạt động này diễn ra minh bạch, hợp pháp và thực chất.

Ngoài ra, để hạn chế tình trạng tăng vốn ảo, chuyển tiền lòng vòng, tiền thu được từ quá trình thay đổi cơ cấu vốn sử dụng không đúng mục đích đăng ký, giám sát chặt chẽ các hiện tượng chủ doanh nghiệp hoặc các cổ đông chi phối, lạm dụng chức vụ điều hành doanh nghiệp rút lại khoản tiền đi vay khi thực hiện nhiệm vụ góp vốn.

Hashtag:

#đầu_tư
#chứng_khoán

Bài viết liên quan

Công ty cổ phần Công Nghệ và Truyền Thông SAMO

VP đại diện: Tầng 9, Tòa Licogi13 - 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Thành Đạt

Email: [email protected]

Liên hệ: 1900 636 232

Sở Kế Hoạch & Ðầu Tư TP Hà Nội Cấp giấy phép số 0106138449

Giấy phép hoạt động: Số 259/ GP - BTTTT do bộ thông tin và truyền thông cấp ngày 20/05/2016

Ðăng kí kinh doanh tại: Số 3, ngõ 361, phố Vũ Tông Phan, Phường Khương Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội

Quét QR code - Tải ứng dụng MOMI ngay