Áp lực gia tăng về nguồn cung tạo đà cho cổ phiếu lương thực thêm hấp dẫn

Quyên Ngô-04:27 23/09/2022

Cổ phiếu lương thực được dự báo sẽ hưởng lợi lớn khi áp lực khủng hoảng lương thực tăng do hạn chế về nguồn cung và loạt chính sách xuất khẩu mới của nhiều nước có sự thay đổi.

Tình hình giá cổ phiếu lương thực

Chứng khoán phiên 22/9 mở ra với sắc đỏ bao trùm, chỉ số VN-Index lùi về dưới 1.200 điểm sau tin tức Fed tăng lãi suất lần thứ ba liên tiếp nổ ra. Cùng với đó là dự báo sẽ tăng lãi suất nhiều lần nữa hòng kiềm chế lạm phát.

Tuy vậy, cũng trong diễn biến không mấy tích cực của thị trường chung, có những mảng “sáng” ược thắp lên nhờ cổ phiếu nhóm lương thực. Cụ thể, LTG của Tập đoàn Lộc Trời, TAR của Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An hay PAN của Tập đoàn PAN vẫn giữ biên độ tăng cao (từ 3 - 4%) bất chấp áp lực bán lan rộng thị trường.

Cổ phiếu lương thực trở thành điểm sáng của thị trường

Cổ phiếu lương thực trở thành điểm sáng của thị trường trong bối cảnh chứng khoán biến động mạnh

Những cổ phiếu này được chú ý nhiều hơn trong khoảng 2 tháng gần đây khi “khủng hoảng lương thực” được nhắc tới nhiều hơn, đi kèm là những vấn đề nhức nhối khác như khủng hoảng năng lượng, suy thoái kinh tế.

Những tác động khiến cổ phiếu lương thực trở nên hấp dẫn

Đợt cuối tháng 5, Tổng thư ký Liên hợp quốc đã đưa ra cảnh báo, chiến sự tại Ukraine có thể gây ra tình trạng thiếu hụt lương thực toàn cầu trong những tháng tới và có thể kéo dài trong nhiều năm. Trước đó, chuỗi cung ứng lương thực đã bị đứt gãy do ảnh hưởng từ dịch Covid, cộng hưởng với sự xáo trộn do cuộc xung đột giữa hai quốc gia Ukraine và Nga - vốn là hai nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới lại càng là cho tình hình thêm phức tạp hơn. Theo Mercy Corp, chính những tác nhân này đã góp phần làm cho lạm phát lương thực bị đẩy lên cao.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VNDirect, những diễn biến trên thị trường toàn cầu cùng với áp lực nguồn cung hạn chế, thêm vào đó là chính sách xuất khẩu mới của Ấn Độ có thể khiến giá gạo bị đẩy lên cao trong thời gian tới. Đó cũng chính là lý do vì sao cổ phiếu lương thực được đưa vào “tầm ngắm” của nhiều nhà đầu tư.

Là khu vực xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới (khoảng 90%), châu Á hiện đang phải đối mặt với tình hình thời tiết khắc nghiệt, điều này có khả năng khiến năng suất và sản lượng bị giảm mạnh trong năm nay. Trong khi đó Trung Quốc - nơi có lượng tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới lại đang phải hứng chịu đợt hạn hán nghiêm trọng, ảnh hưởng tới 7 tỉnh thành. Theo dự báo, nước này sẽ phải tăng nhập khẩu gạo lên mức kỷ lục là 6 triệu tấn trong năm 2022- 2023.

Thiếu hụt nguồn cung toàn cầu tạo đà cho cổ phiếu lương thực thêm hấp dẫn

Thiếu hụt nguồn cung toàn cầu tạo đà cho cổ phiếu lương thực thêm hấp dẫn

Thêm một nhân tố nữa khiến cho tình hình lương thực trở nên “nóng sốt” khắp toàn cầu đó là chính sách mới ban hành của Ấn Độ hôm 8/9. Theo đó, nước này thông báo sẽ cấm xuất khẩu gạo tấm (chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu) và đánh thuế 20% đối với các loại gạo khác trừ basmati và gạo đồ (chiếm 18% tổng kim ngạch). Đây thực sự là một thách thức lớn khi bản thân Ấn Độ được biết tới là nước có tổng sản lượng xuất khẩu gạo đứng hàng top thế giới.

Báo cáo VNDirect viết: "Giá gạo Ấn Độ với mức thuế cao hơn sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh và có khả năng khiến người mua chuyển hướng sang gạo Thái Lan và Việt Nam".

Có cùng suy nghĩ, phía Công ty Chứng khoán Mirae Asset cũng đưa ra kỳ vọng tương tự hồi tháng 6 khi giá lương thực đồng loạt tăng vọt. Nga và Ukraine - hai nước đang có giao tranh hiện giữ những vị trí quan trọng trong bảng xếp hạng xuất khẩu lương thực. Cụ thể, hai nước này chiếm tới 28% sản lượng lúa mì và 15% bắp xuất khẩu toàn thế giới. Riêng với trường hợp của LTG, Mirae Asset dự báo doanh thu và lợi nhuận năm nay của có thể tăng 25% và hơn 67% cùng kỳ. Chỉ tính riêng doanh thu mảng gạo, con số này có thể đạt tới 6.200 tỷ đồng - tăng 52,3%.

Việt Nam hiện đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo, sau Ấn Độ và Thái Lan, và chiếm 7,8% thị phần toàn cầu, đồng thời cũng là nước xuất khẩu lớn đứng hàng top thế giới chỉ sau Trung Quốc với 24,5%.

Nhận định về những doanh nghiệp xuất khẩu gạo chính, VNDirect cho rằng Tập đoàn Lộc Trời (LTG) sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ xuất khẩu vì là một trong những nhà phân phối đến hai thị trường trọng điểm trong bối cảnh hiện nay là Trung Quốc và châu Âu. Cụ thể, tỷ trọng doanh thu của doanh nghiệp này đạt 39% trong năm 2021; và 57% trong nửa đầu năm nay. Tuy vậy, hạn chế còn tồn tại của LTG chính là biên lợi nhuận gộp thấp, chỉ khoảng từ 2% đến 3%.

Tiếp nối là TAR của Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An. Đơn vị này sẽ nhận được những “lực đẩy” mạnh mẽ đến từ việc Trung Quốc giảm sản lượng và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu do hạn hán. Trong khi đó, xuất khẩu gạo là lĩnh vực kinh doanh chính của TAR với tỷ trọng xuất khẩu chiếm gần 15% doanh thu. Và Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo chính với tỷ trọng lên tới 27% doanh thu xuất khẩu.

Khác với hai cổ phiếu trên, PAN của Tập đoàn PAN có thể tăng sản lượng xuất khẩu từ việc châu Âu giảm sản lượng. Nông nghiệp là thế mạnh của doanh nghiệp này, đóng góp 19% doanh thu, và chiếm tới 39% tổng lợi nhuận gộp. Theo VNDirect, sản lượng lúa gạo châu Âu giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy không nhỏ cho sản lượng xuất khẩu của Tập đoàn PAN.

Hashtag:

#đầu_tư
#chứng_khoán

Bài viết liên quan

Công ty cổ phần Công Nghệ và Truyền Thông SAMO

VP đại diện: Tầng 9, Tòa Licogi13 - 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Thành Đạt

Email: [email protected]

Liên hệ: 1900 636 232

Sở Kế Hoạch & Ðầu Tư TP Hà Nội Cấp giấy phép số 0106138449

Giấy phép hoạt động: Số 259/ GP - BTTTT do bộ thông tin và truyền thông cấp ngày 20/05/2016

Ðăng kí kinh doanh tại: Số 3, ngõ 361, phố Vũ Tông Phan, Phường Khương Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội

Quét QR code - Tải ứng dụng MOMI ngay